Ứng dụng Scenography

Trong khi cũng có điểm phù hợp với thực hành chuyên môn của người làm bối cảnh sân khấu, thì điều quan trọng là phải phân biệt các yếu tố riêng lẻ trong đó có 'thiết kế' của một sự kiện trình diễn, biểu diễn (như ánh sáng, không gian, trang phục...) với thuật ngữ 'scenography' trong góc nhìn nghệ thuật liên quan đến yếu tố thị giác, kinh nghiệm nghệ thuật và sự cấu thành không gian trình diễn, biểu diễn. Ảnh hưởng từ tác phẩm của các nhà tiên phong Hiện đại chủ nghĩa Adolphe Appia và Edward Gordon Craig, scenography đề xuất rằng các thực hành thiết kế trong trình diễn, biểu diễn nên được coi là một thành tố bình đẳng, cùng với các yếu tố khác như kịch bản văn học và kỹ thuật trình diễn, biểu diễn, trong ý nghĩa xây dựng và tiếp nhận. Thực hành của scenography do đó là một cách tiếp cận toàn diện đối với sự cấu thành của trình diễn, biểu diễn và có thể được áp dụng cho việc thiết kế hoặc điều phối các sự kiện bên trong và bên ngoài của không gian nhà hát/sân khấu thông thường. Hay như Pamela Howard nêu trong cuốn sách của mình Scenography là gì?:

'Scenography là tổng hợp liền mạch của không gian, kịch bản, khảo sát thực tế, mỹ thuật, diễn viên, đạo diễn và khán giả, đóng góp cho tác phẩm nguyên gốc.' [4]

Joslin McKinney và Philip Butterworth mở rộng điều nói trên để đưa ra đề xuất:

'Scenography không chỉ đơn giản liên quan đến việc sáng tác và trình bày hình ảnh cho khán giả; nó còn liên quan đến việc tiếp nhận và tham gia của khán giả. Đó là cảm giác cũng như kinh nghiệm về trí tuệ, cảm xúc cũng như lý trí.' [5]

Ngày nay, với hỗ trợ từ các thiết bị và công nghệ hiện đại, bối cảnh sân khấu không còn bó hẹp ở phông, màn, bục, bệ được sơn hay vẽ thủ công. Vở diễn, trình diễn có thể được đầu tư kỹ lưỡng và ứng dụng tối đa các hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, hình ảnh hai chiều, ba chiều, video... Các hình ảnh với tư cách yếu tố thị giác không chỉ là khách thể nữa mà trở thành chủ thể vừa độc lập vừa cố kết (với các chủ thể khác trong phạm vi scenography) và có khả năng tương tác với chính diễn viên và người thưởng lãm, nó giúp mở rộng đồng thời kéo sân khấu lại gần với những tiếp cận trực diện, sân khấu không còn là thứ gì đó xa vời, không còn là thánh đường nữa.